Monday, September 4, 2017

Khi TBT đảng cộng sản được dân mến

image

Thời gian qua ở Ba Lan xảy ra một chuyện khá đặc biệt: 97% dân thành phố mỏ Sosnowiec muốn giữ tên tuổi cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Ba Lan, ông Edward Gierek (1913-2001), cho một ngã tư, bất chấp Luật Xóa di sản cộng sản mới ra.

Cuộc thay đổi thể chế năm 1989 đã không làm dân Sosnowiec hết mến mộ người đồng hương. Mới năm 2002, họ bỏ phiếu truy tặng ông danh hiệu 'công dân danh dự' của đô thị này.

Trong kỳ nghỉ hè tại Ba Lan vào tháng 8 năm nay, nhà báo Nguyễn Giang đã nghe nhiều về câu chuyện này và chia sẻ một số tìm hiểu ở đây:

Kỷ nguyên nhiều dấu ấn

image

Đức Giáo hoàng John Paul II và TBT Edward Gierek. Cũng trong thập niên 1970-80, Đức Hồng y Karol Wotyla từ Krakow lên làm Giáo hoàng La Mã trong sự kiện chưa từng có của lịch sử Ba Lan

Vì sao ông Gierek vẫn được dân cùng quê ngưỡng mộ?

Ông Edward Gierek là một trong số những người được dân địa phương cảm ơn vì đã có công phát triển thành phố Sosnowiec quê hương ông.

Nhưng rộng hơn, câu chuyện về ông Gierek cũng nhắc lại một thập kỷ Ba Lan để lại nhiều dấu ấn ở châu Âu và trên thế giới.

image

Tôi còn nhớ mùa thu 1989, chuyến tàu từ Liên Xô chở nhóm sinh viên chúng tôi sang Ba Lan du học đã dừng ở nhà ga trung tâm thủ đô.

Bước ra ngoài ga, tôi thấy giữa trung tâm thành phố là một tòa tháp cao, màu vàng nhờ nhợ mà sau tôi mới biết là Cung Văn hóa và Khoa học, từng mang tên Stalin, vì là quà của Moscow tặng cho "nhân dân Ba Lan anh em", xây xong năm 1955.

image

Xung quanh tòa tháp 231 mét lại là một số cao ốc kiểu Phương Tây, màu trắng hoặc bọc kính xanh, các khách sạn có tên tiếng Anh (Marriott, Holiday Inn), giống một nước tư bản hơn nhà cửa ở Moscow.

image
Warsaw ngày nay: Cung Văn hóa và Khoa học, từng mang tên Stalin, nằm giữa thủ đô Warsaw, biểu tượng cho sự thống trị của Liên Xô, nằm giữa các cao ốc kiểu Phương Tây xây trong giai đoạn 1970-80 và sau này.

Trong ga Warszawa Centralna, các thang cuốn bóng nhoáng chạy lên chạy xuống đều đặn, sạch sẽ, phòng vé cao rộng như sảnh chờ của một sân bay hiện đại.

Đó chỉ một số công trình xây thời Edward Gierek vẫn còn lại dấu ấn đến tận nay.

image

Cũng là chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng sang Ba Lan tôi mới biết ta cần phân biệt thời kỳ hậu chiến đen tối, khi Ba Lan và toàn Đông Âu bị Liên Xô kiểm soát chặt, với kỷ nguyên Gierek.

Vào những năm 1970, Ba Lan đã vượt qua thời kỳ Stalinist đen tối để trở nên cởi mở hơn về cả kinh tế và văn hóa.
Phim ảnh, ca nhạc, hội hoạ và văn học Ba Lan đạt nhiều thành tích quốc tế.

image

Thập niên 1970-1980 là giai đoạn Ba Lan tạo dấu ấn quốc tế: phim 'Miền Đất hứa' của Andrzej Wajda được đề cử giải Oscar, giải Nobel Văn học được trao cho Czeslaw Milosz.

image

Và đến năm 1979, một sự kiện 'nghìn năm mới có' đã xảy ra: Đức Hồng y Karol Wotyla từ Krakow lên làm Giáo hoàng La Mã.

image
Những trăn trở về dân tộc và nhân sinh thời XHCN ở Ba Lan đã sản sinh ra các nhân tài như đạo diễn điện ảnh Andrzej Wajda (bìa phải) và các trí thức Ba Lan

Về kinh tế, Ba Lan khi đó mở cửa với Phương Tây, xóa bớt đi "màu xám' của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trên thực tế, người Ba Lan đã trải qua hai lần đấu tranh - công nhân xuống đường năm 1956, và trí thức lên tiếng năm 1968 - nhưng đến năm 1970, họ không thể nào bứt ra khỏi hệ thống do Liên Xô kiểm soát.

Các cuộc đấu tranh đó tuy thế cũng chỉ ra sự bế tắc của mô hình cả khối Đông Âu và Moscow đành đồng ý cho Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc ít nhiều thí điểm nới rộng kinh tế tập trung và đưa vào một số nét thị trường.

Ông Edward Gierek lên đúng thời đã nhận về các khoản tín dụng khổng lồ bằng đô la Mỹ từ Phương Tây để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

image

Nhờ 'ngoại tệ cứng', ông đã khởi động kinh tế Ba Lan qua kích cầu nội bộ, và tăng cường xây cất.

Ngày nay, di sản của Tổng Bí thư Edward Gierek để lại là hơn 3 triệu căn hộ trong hàng nghìn khu chung cư cao tầng.

Giờ nhìn lại, những giải pháp kinh tế - xã hội và đô thị của thời Edward Gierek không hề tệ, thậm chí còn có ưu thế hơn nhiều công trình dân cư xây thời kinh tế thị trường chụp giật vừa qua.

Bà Eugenia K., một bác  từng tham gia Công đoàn Đoàn kết ngành y vào những ngày cuối năm 1989, không chê những căn hộ thời Gierek vì... chúng tốt hơn các công trình sau này.

So sánh 'nhà Gierek' với các khu đô thị mới mọc lên ở Ba Lan trong thập niên 2000, bà nói:

image

"Nhiều đô thị mới thời thị trường toàn do chủ đầu tư do tư nhân làm, lấy mục tiêu kiếm tiền là chính. Họ thường chọn khu đất rẻ hoang vắng cách trung tâm thành phố 30-40 km, không hề có giao thông công cộng để xây. Xây xong quảng cáo thật hay, nào là có bể bơi, có sân tennis, truyền hình vệ tinh... tất cả để phục vụ lớp trẻ có tiền."
Từ kinh nghiệm hành nghề bác , bà nói:

"Dân các khu đô thị mới dọn vào một thời gian sau mới thấy có vấn đề, mà toàn các vấn đề cơ bản.

image
Xe hơi và xe máy thời XHCN Ba Lan nay trưng bày trong một bảo tàng ở Szczecin

"Các vợ chồng trẻ sinh con ra mới thấy xung quanh khu chung cư không hề có trạm xá, lớp mẫu giáo. Con cái phải đưa đi học rất xa bằng xe riêng. Lỡ ốm phải gọi cấp cứu thì xe đi cả tiếng đồng hồ mới tới thì bệnh nhân chắc đã chết."

Còn về các chung cư thời xã hội chủ nghĩa thì sao?

image

"Nhà cửa xây chắc chắn, rộng rãi. Hai vợ chồng hai con được 90 mét vuông. Nhà thường có trên 10 tầng, và nhà có bốn tầng trở lên là phải có thang máy. Cứ 10-15 cao ốc lập thành một khu 3000-4000 dân là có trạm xá, cửa hàng thực phẩm, nhà trẻ và trường tiểu học và tuyến xe bus, ai có xe riêng thì có garage cấp theo căn hộ."

Tóm lại, theo bà Eugenia, "nhà cửa thời đó khiến sinh hoạt, đi học, đi làm cái gì cũng tiện vì mọi thứ được tính toán trước một cách khoa học".

Như thế, từ một câu chuyện nhỏ về căn hộ thời trước 1989 và ngày nay, tôi thấy được rằng so sánh, đánh giá quá khứ cũng cần khoảng cách thời gian.

Bàn tay vô hình 'chỉ kiếm tiền' của thị trường

Trên thực tế, kinh tế thị trường từ 1989 đem lại tăng trưởng kinh tế liên tục cao 6-7% một năm trong một thời gian dài ở Ba Lan.

Mức sống tăng lên nhanh và hàng hóa tiêu dùng cũng phong phú gấp bội, các dịch vụ công về cơ bản vẫn hoàn toàn dựa trên nền tảng của thời trước.

Nhiều đô thị trên 100 nghìn dân hơn 10 năm qua không hề có thêm bệnh viện trong lúc người Ba Lan sống lâu hơn, trẻ con sinh ra nhiều, nhất là vì chính sách trả 500 zloty (135 USD) một tháng cho con thứ nhì.

image

Hệ thống giáo dục tự do hóa chỉ đem lại các trường tư nhân dạy ngoại ngữ, các khóa học 'mì ăn liền' kiếm tiền nhanh.

Các đại học nổi tiếng nhất và những cơ sở nghiên cứu uy tín nhất thì vẫn là các trường đã có hàng trăm, hàng chục năm qua.

Tóm lại, Ba Lan giàu lên nhiều so với thời tôi còn sống ở Warsaw, nhưng tất nhiên, có không ít người giàu lên nhanh vù vù, và không ít người khác lại không thấy sinh hoạt được cải thiện nhanh như họ muốn.

Cả triệu người Ba Lan nay lại bỏ nước sang Tây Âu (Đức, Anh, Ireland), và Bắc Âu (Na Uy, Đan Mạch), để lao động gửi tiền về nuôi nhà.

Cởi mở và có trình độ

Nhưng điều đáng nói là một cảm giác 'tụt dốc' trong văn hóa chính trị Ba Lan.

Đọc báo chí Ba Lan, càng gần đây tôi càng ngạc nhiên trước sự thiếu văn hóa và hung hãn của không ít chính khách nước này.

Ngôn ngữ thù địch, hằn học, mạt sát đối thủ chính trị, phỉ báng Liên hiệp châu Âu, miệt thị người nước ngoài xuất hiện trở lại công khai trên truyền thông.

Sau một thời kỳ cởi mở, có vẻ như các chính khách dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, bài ngoại đang 'có đất dụng võ' ở Ba Lan.

So với những người này thì dù là lãnh đạo cộng sản, ông Edward Gierek lại có tầm nhìn quốc tế, văn hóa cá nhân cao và biết thân thiện với cả Hoa Kỳ và Liên Xô để bảo vệ quyền lợi cho Ba Lan khi đó.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Edward Gierek lại khác các lãnh đạo Liên Xô và Đông Âu cùng thời và thậm chí còn có trình độ hơn một số lãnh đạo phe hữu cầm quyền ở Ba Lan trong thế kỷ 21.

image

Sinh tại Ba Lan nhưng lớn lên ở Pháp, vào đảng cộng sản Pháp và tham gia kháng chiến chống phát-xít ở Bỉ, ông Edward Gierek chỉ về quê nhà năm 1948.

Nói tiếng Pháp như tiếng Ba Lan, có hiểu biết quốc tế và các vấn đề châu Âu khá vững, ông từng được báo New York Times trong bài điếu văn hồi 2001 gọi là "nhà cải cách Ba Lan hướng về Phương Tây".

Công lao của ông, cũng theo tờ báo Mỹ là đã "loại bỏ những tay chân theo đường lối Stalinist của người tiền nhiệm, Wladyslaw Gomulka, xây dựng lại Đảng bằng cách đưa những lãnh đạo có trình độ tốt hơn, có tài quản trị".

"Ông cũng khuyến khích văn hóa cởi mở hơn, để cho người Ba Lan tự do đi lại sang Phương Tây và vay tiền từ Phương Tây để hiện đại hóa kinh tế."

Những người phê phán ông cho rằng chính vì để dân Ba Lan "ăn chơi quá đà" mà kinh tế mắc nợ vẫn tới suy sụt vào cuối thập niên 1970.

Đến năm 1989, các khoản nợ nước ngoài của Ba Lan, gồm một phần của Liên Xô nhưng đa phần là tiền của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Thuỵ Sỹ lên tới trên 40 tỷ USD, tương đương 77 tỷ USD theo thời giá năm 2011.

image
Ông Edward Gierek (bên phải), đón Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing thăm Warsaw năm 1975

Nhưng xét cho cùng thì đa số các khoản tín dụng chính quyền cộng sản Ba Lan thời ông Gierek để lại sau đã được Phương Tây "tái cấu trúc", nói trắng ra là xóa đi, để trợ giúp cho công cuộc cải cách dân chủ và thị trường.
Chính vì thế, ít ai nay kêu ca về những món nợ không người dân nào phải bỏ tiền túi ra trả.

Cố Thủ tướng Đức, Helmut Schmidt, từng gặp cả Edward Gierek của Ba Lan và Janos Kadar của Hungary và nhớ lại hai người này' "là những lãnh đạo cộng sản nhưng trước hết là những con người thân thiện, lý trí".

Theo quan sát của nhà lãnh đạo Tây Đức thì "họ chắc chắn muốn người dân nước họ ở cạnh Phương Tây chứ không sống trong cái bóng của Liên Xô".

Vào thời ông Gierek làm lãnh đạo, Ba Lan nổi bật trên nền các quốc gia Đông Âu nhờ đầu tư nước ngoài và hàng hóa tiêu dùng tư bản.

Tại Ba Lan, hãng Fiat của Ý mở nhà máy sản xuất xe hơi, Berliet của Pháp làm xe bus, Massey-Ferguson và Perkins của Anh làm máy cày.

Bạn thử hình dung một anh nông dân Ba Lan lái máy cày kiểu Ăng Lê, miệng ngậm điếu Marlboro của Mỹ và đến giờ nghỉ thì mở lon Coca-Cola để giải khát, thì sẽ thấy Ba Lan trong thập niên 1970 là như thế nào.

Chấm dứt trước Thiết quân luật

Hiển nhiên, kỷ nguyên Gierek cũng chấm dứt khi các ngành công nghiệp nặng của Ba Lan bắt đầu gặp vấn đề.
Thợ mỏ, công nhân đóng tàu liên tiếp đình công và quân cảnh xuất hiện thường xuyên trước các công xưởng để chặn biểu tình.

Mâu thuẫn giữa công nhân Ba Lan và đảng cộng sản mang tên là Đảng Công nhân Thống nhất tăng lên, theo những người Ba Lan nói, một phần là vì người lao động đã biết thế nào là một cuộc sống cởi mở và đầy đủ vật chất hơn, và không hề muốn mất đi các quyền lợi.

Về đối ngoại, sang thập niên 1980, chính sách dung hòa Đông Tây của Edward Gierek ngày càng gặp khó khăn sau khi Liên Xô đem quân vào Afghanistan và cuộc đối đầu Nga - Mỹ tăng độ nóng.

image

Tháng 7/1981, ông Edward Gierek bị các nhân vật thân Nga bỏ phiếu loại khỏi vị trí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chỉ vài tháng sau, ngày 13/12/1981, Đại tướng Wojciech Jaruzelski tuyên bố thiết quân luật, đưa xe tăng ra phố, mở đầu một mùa đông lạnh giá và đen tối cho toàn dân tộc Ba Lan.

Cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị và kinh tế chỉ thấy ánh sáng cuối đường hầm khi Moscow và Washington hòa hoãn vào thời Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan bắt đầu đối thoại gần 10 năm sau đó.

Cũng vì không còn cầm quyền, ông Edward Gierek không phải chịu trách nhiệm gì cho giai đoạn bi quan của những năm 1981-89.

image
Nghị viện thiếu niên Ba Lan ngày nay - nước này đã đi một bước dài trên con đường dân chủ hóa

Điều này giải thích phần nào tình cảm dành cho Edward Gierek đến từ không ít người Ba Lan cao tuổi, nuối tiếc thời kỳ khá sáng sủa mà ông lãnh đạo.

Thật dễ hiểu vì ai cũng hoài niệm và lý tưởng hóa ít nhiều quá khứ trẻ trung của mình.

Nhưng tư cách cá nhân của Edward Gierek và những di sản cụ thể về xã hội cùng nỗ lực của ông làm những điều tốt nhất cho Ba Lan trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh cần được ghi nhận.

Xu hướng xóa hết quá khứ, tham vọng viết lại lịch sử một cách ích kỷ của một số chính khách Ba Lan hiện nay không làm tên tuổi họ đẹp hơn ông Gierek.

Chưa kể mọi so sánh đều cần dựa trên các ví dụ cụ thế và việc tin theo một ý thức hệ, tả hay hữu, không đủ để nghiễm nhiên cho người ta quyền vĩnh viễn đúng hoặc phủ nhận toàn bộ quá khứ.

Và khi nói về di sản của ai đó, ta cần căn cứ vào các ví dụ cụ thế, thay cho phán xét dựa trên tín điều.

Ba Lan đã đi một bước dài trên con đường dân chủ hóa nhưng một làn sóng dân tuý lại đang phục hồi.

Những gì xảy ra với tên tuổi ông Edward Gierek đang là phép thử về tính bao dung, gồm cả bao dung với quá khứ của người Ba Lan ngày nay.




Nguyễn Giang

image

Thomas Jefferson đã làm gì đối với Hồi giáo?
Tướng Lương Xuân Việt tại Nam Hàn
Bộ Lịch Sử của Tính Ác!
Olivia De Havilland: “Cuốn theo chiều gió”
Từ kẻ bị truy nã ở Ý thành người hùng Thụy Sỹ
Nguy hiểm khi đặt chân lên táp-lô
Chàng trai Việt chế robot trên đất Mỹ
Cảnh sát Mỹ chào đón một cảnh sát gốc Việt
Vì sao cha tôi và các trí thức bị cách ly?
Những nơi bí ẩn nhất thế giới
Sau bão Harvey mới là chuyện khó xử
Khi nào việc giật đổ tượng là điều chấp nhận được?...
Trịnh Vĩnh Bình: một bài học cho chính phủ VN
Tiếng vọng từ nông thôn nước Mỹ
Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn
Donald J. Trump: Người là ai ?
Từ Công nương Diana đến bom mìn Quảng Trị
Sự thật về tempura Nhật Bản
Việt Nam trông cậy vào năm loại vũ khí để ngăn chặ...
Giáo sư Mỹ nói bão Harvey là quả báo với dân Texas...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.